VĂN HỌC CÓ KHẢ NĂNG HÓA GIẢI NHỮNG ÁP LỰC CỦA TÂM HỒN
Ai đó đã từng hỏi tôi rằng: Văn học là gì? Văn học có ý nghĩa gì trong cuộc sống tất bật ngày hôm nay. Tôi đã không ngần ngại mà nói với họ rằng: Văn học là liều thuốc an thần tốt nhất, là nơi gột rửa những vết thương lòng, là nơi để chúng ta có thể mơ tiếp giấc mơ dù biết rằng những câu chuyện cổ tích không bao giờ là có thật….
Bạn có bao giờ dành ra cho mình một khoảng thời gian nhất định, khoảng thời gian đó tuyệt đối không có sự làm phiền của người khác, khoảng thời gian đó bạn có thể lựa chọn ngồi ở dưới tàn cây, ngồi ở ban công, ngồi trên bệ cửa sổ, ngồi trên ghế sô pha, thậm chí là ngồi trên giường mở quyển sách ra, đọc nhâm nhi từng trang một, nghe thấm từng câu chữ, hiểu rõ từng lời mà tác giả viết ra hay chưa? Nếu đã từng như thế, bạn hãy nói cho tôi biết cảm giác đó thật sự là như thế nào? Có phải là trạng thái mây trắng bay lãng đãng trên bầu trời, có cơn gió nhè nhẹ thổi, có chút tiếng nhạc xao động vang lên từ tận con tim, bạn thì vẫn ngồi đó ngân nga từng câu chữ.
Văn chương viết lên từ nỗi đau, từ dòng huyết lệ hay từ giọt máu nóng, sự rung cảm thôi thúc thi nhân viết lên thành từng ca từ, gợi nhớ từng lời yêu thương. Mà từ những ca từ, lời yêu thương đó lại rung cảm đến độc giả, chạm đến nỗi đau sâu kín, chạm đến ước mơ một thời bị quên lãng. Tôi từng ngân nga đọc những dòng thơ của T.T.Kh
Một mùa thu trước mỗi hoàng hôn
Nhặt cánh hoa rơi chẳng thấy buồn
Nhuộm ánh nắng tà qua mái tóc
Tôi chờ người đến với yêu thương
(Hai sắc hoa tigon)
Rồi từng chợt khóc, rồi chợt nhận ra mình cũng từng rung động. Mùa thu vốn dĩ đã mang sẵn nét u buồn nhưng tại sao sự u buồn ấy lại mĩ lệ đến thế! lại khiến con người ta nhung nhớ không thôi. Phải chăng là vì tình yêu? Thứ tình yêu khiến cho con người héo gầy tim gan, đọc câu thơ, chắc hẳn không ít độc giả tìm thấy bóng dáng của mình trong nó. Đọc nó rồi khóc, rồi cười, rồi mở ra từng dòng nhật kí tưởng chừng như đã quên lãng, để sống lại một thời thanh xuân đầy nuối tiếc, để tạm quên những bộn bề của cuộc sống, để một lần nữa lắng nghe tiếng trái tim mình, tìm ra cho mình con đường bình yên nhất giữa bộn bề tất bật.
Tôi đã từng nghe được lời tỏ tình buồn nhất thế gian: Em có biết em và mùa thu giống nhau ở điểm nào hay không? Đó là khi sự vật bước vào giai đoạn tàn úa nhưng lại là giai đoạn đẹp nhất, tình yêu của anh vừa mới chớm nở nhưng em lại vội vàng ra đi, bỏ lại anh giữa cuộc đời này. Em nói cho anh biết, anh phải làm sao? Những câu từ tuy rằng có phần bi thương nhưng nó lại gợi cho con người ta nhiều suy ngẫm, phải chăng để tránh sự hối tiếc, con người ta phải biết trân trọng, đừng để một mai khi muốn nói lời yêu thương thì tất cả đã trở nên quá muộn màng.
Hoặc giả những ai đã bị lừa dối trong tình yêu, nay đã không còn tin tưởng vào tình yêu thì xin đừng vội vàng buông bỏ, xin hãy dành ra một khoảng thời gian để đọc những vần thơ sau:
Tình cờ anh gặp lại vầng trăng,
Một nửa vầng trăng thôi, một nửa.
Trăng vẫn đấy mà em xa quá,
Nơi cuối trời em có ngóng trăng lên ?
Nắng đã tắt lâu rồi, trăng thức dậy dịu êm,
Trăng đầu tháng có lần em ví,
Chữ D hoa như vầng trăng xẻ nửa,
Tên anh như nửa trăng mờ tỏ,
Ai bỏ quên lặng lẽ sáng bên trời.
Ơi vầng trăng theo con nước đầy vơi,
Trăng say đắm dào trên cỏ ướt,
Trăng đầu tháng như đời anh chẳng thể nào khác được,
Trăng cuối tháng như đời anh hao khuyết.
Em đã khóc,
Trăng từng giọt tan vào anh mặn chát.
Em đã khóc,
Nhưng làm sao tới được,
Bến bờ anh tim dội sóng không cùng.
Đến bây giờ trăng vẫn cứ còn xanh,
Cứ một nửa, như đời anh, một nửa,
Nhưng trăng sẽ tròn đầy, trăng sẽ…
Trăng viên mãn cuối trời đêm đêm em có nhớ ?
Mặt trăng từng khuất nửa ở trong nhau.
(Hai nửa vầng trăng – Hoàng Hữu)
Câu từ nghe thật dịu dàng, đằm thắm, nó như là một lời động viên, tin tưởng vào tình yêu, tin tưởng vào lời thề hẹn của mai sau. Cho dù hiện tại không thể bước cùng nhau, nhưng những kỉ niệm đẹp đó có thể nâng đỡ chúng ta trong những lúc khốn cùng nhất, dìu dắt chúng ta đi đến bến bờ hạnh phúc của sau này. Có trăng khuyết con người ta mới biết quý trọng trăng tròn đầy, có tan vỡ con người ta mới quý trọng sự trọn vẹn, có đau khổ con người ta mới càng trân trọng nhau, mới không vì những toan tính nhỏ nhặt mà đánh mất đi sự trong sáng, thánh thiện của tình yêu.
Văn học không phải là một bản pháp lệnh buộc con người ta phải thi hành theo, văn học cũng không phải là tiếng loa phóng thanh vang lên từ tầng cao mà nó đơn giản là tiếng nói của tận đáy lòng, của những ước mơ ngày nào còn e ấp. Văn học động viên con người tin tưởng vào tương lai, tin tưởng vào chính bản thân mình, tin rằng mình là phiên bản số một, là phiên bản hoàn hảo nhất, không ai có thể thay thế, không ai có thể đè bẹp, chà đạp chính mình, trừ khi mình cho phép họ làm như thế. Tôi đã từng đọc qua câu chuyện về Cô bé Anne tóc đỏ, có thể nói câu chuyện đó đã theo tôi suốt cả tuổi thơ, thậm chí đến bây giờ những lúc cảm thấy mệt mỏi, tôi cũng mở ra xem lại để cảm thấy như được tiếp thêm sức mạnh. Sự kiên cường của Anne tóc đỏ nhắc nhở tôi không nên dễ dàng từ bỏ, cuộc sống vốn dĩ còn nhiều thử thách, đòi hỏi con người ta phải thật bản lĩnh để không phải cúi đầu. Đứng trước sự chê trách của người khác, chúng ta tuyệt đối không thể tự ti, mà phải cố gắng hết sức để sống đúng với chính mình, để một ngày những người chê trách chúng ta sẽ phải cúi đầu thán phục, không còn xem thường, phải biết biến những khuyết điểm của bản thân trở thành điểm sáng không thể nhòa lẫn với người khác.
Có người nói với tôi như thế này, văn học có gì hay mà cứ đọc hoài, nó có lợi ích thiết thực hay không? nó có kiếm ra tiền hay không? Xin thưa rằng: văn học đối với tôi là cả một chân trời lí tưởng, nó không đơn thuần chỉ là những mơ ước mĩ miều mà nó còn vô cùng thiết thực, nó là tiếng nói dịu dàng nhất giúp tôi xoa dịu những nỗi đau trong cuộc sống bon chen, hối hả đời thường. Nếu ai đã từng đọc qua Hồng lâu mộng của Tào Tuyết Cần ắt hẳn sẽ không quên được cảnh xa hoa, quyền quý của Giả phủ, càng không thể quên sự cô độc của từng người sống trong khung cảnh xa hoa tột độ ấy, nơi đó có cái đẹp, có cái xấu xa, có tội lỗi, có khát vọng lớn lao, có dục vọng thấp hèn. Đọc Hồng lâu mộng giúp tôi ngộ ra nhiều chân lí, có lẽ tôi là một con người bi quan nên luôn cảm thấy mọi phồn hoa trên thế gian này đều như một giấc mộng, nếu người còn sống mà không biết trân trọng nhau thì chết rồi, khóc than còn có ý nghĩa gì nữa? Lầu cao gác tía không bằng đạm bạc, bình yên.
Giữa vòng xoáy kim tiền, con người ta dường như lãng quên đi cái chân thật nhất, cái bình dị nhất chính là tình yêu, sự quan tâm, thấu hiểu nhau và hơn hết điều người ta hay bỏ quên chính là gia đình. Và văn học nhắc nhở cho con người ta điều đó. Có bao giờ bạn tự hỏi, đã bao lâu rồi mình chưa về thăm nhà hay chưa? Có bao giờ bạn ngồi xuống bên con, xem nó học hành ra sao hay chưa? Có bao giờ bạn nhìn thấy mái tóc bạc của cha mẹ hay chưa? Hay đến một ngày khi muốn về thăm thì tất cả đã muộn, tất cả đã không còn có thể bù đắp.
Mẹ!
Cái tiếng gọi mà từ khi bập bẹ
Đến lúc trưởng thành
Con vẫn chưa hiểu hết chiều sâu
Mẹ!
Có nghĩa là bắt đầu
Cho sự sống, tình yêu, hạnh phúc
Mẹ!
Có nghĩa là duy nhất
Một bầu trời
Một mặt đất
Một vầng trăng
Mẹ không sống đủ trăm năm
Nhưng đã cho con dư dả nụ cười và tiếng hát
Chỉ có một lần mẹ không ngăn con khóc
Là khi mẹ không thể nào lau nước mắt cho con
Là khi mẹ không còn
Hoa hồng đỏ từ đây hoá trắng…
Rồi những đứa bé lại chào đời và lớn lên theo năm tháng
Biết bao người được làm mẹ trong ngày
Tiếng trẻ con gọi mẹ ngân nga trên trái đất này
Thành âm thanh không bao giờ vắng lặng
Mẹ!
Có nghĩa là ánh sáng
Một ngọn đèn thắp bằng máu con tim
Cái đóm lửa thiêng liêng
Cháy trong bão bùng, cháy trong đêm tối
Mẹ!
Có nghĩa là mãi mãi
Là cho – đi – không – đòi – lại – bao – giờ
Cổ tích thường bắt đầu từ: “Ngày xưa có một công chúa…” hay “Ngày xưa có một vị vua…”
Cổ tích còn bắt đầu từ: “Ngày xưa có mẹ…”
(Ngày xưa có mẹ – Thanh Nguyên)
Ngày xưa có mẹ của Thanh Nguyên như một hồi chuông nhắc nhở, giữa bộn bề tấp nập, giữa cơm áo gạo tiền, bạn liệu đã biết mình lãng quên điều gì hay chưa? Đọc những vần thơ, tôi nghe trái tim mình như ngừng đập, những vần thơ vẫn nhẹ nhàng thôi nhưng người đọc nó lại cảm thấy day dứt khôn nguôi, thấy mình như quá vô tâm. Đã bao lâu rồi chưa về với vòng tay mẹ, đã bao lâu rồi chưa tìm thấy được sự bình yên giữa cuộc đời đầy chông gai thử thách. Phải chăng mình đã quá ham mê vật chất? Chỉ mãi lo chạy theo những thứ phù phiếm mà lãng quên đi bình yên nhất chính là sự giản dị bên mái nhà có mẹ? Văn học nhẹ nhàng như thế thôi, nó âm thầm xâm chiếm trái tim ta, đến khi ta nhận ra thì tất cả đã được lấp đầy, trong tim ta vẹn nguyên từng câu chữ.
Còn với những ai đang mất niềm tin, cảm thấy hụt hẫng, không còn hi vọng về cuộc đời này nữa thì xin hãy một lần đọc tác phẩm Hai đứa trẻ của Thạch Lam. Một bức tranh mà phông nền chính là màu của bóng tối, của sự tàn tạ, con người sống ở đó từng ngày từng ngày tàn lụi theo thời gian, xen vào hiện thực ảm đạm ấy là chất lãng mạn, nghệ sĩ. Nhưng đó chỉ là vẻ bề nổi thôi, còn ẩn sâu bên trong đó là một điều đáng quý hơn, đó chính là những con người sống ở đáy vực của xã hội, họ vẫn có một niềm tin, vẫn có một khát khao dù khát khao đó như những ngôi sao trên bầu trời xa thẳm, lúc ẩn lúc hiện, lúc chiếu sáng lúc lại bị che khuất bởi muôn trùng mây. Những con người tàn tạ ấy, họ lấy gì để làm động lực sống tiếp cuộc đời này. Họ có tìm kiếm niềm vui, có tìm kiếm hi vọng đấy, mỗi đêm họ thức thật khuya, không phải chỉ để bán hàng mà để nhìn thấy một thứ ánh sáng khác – một thứ ánh sáng của đoàn tàu từ Hà Nội chạy qua – một thứ ánh sáng khác với mọi thứ ánh sáng nơi phố huyện nghèo, họ quan sát kĩ lưỡng, ghi lại trong khối óc. Ánh sáng ấy chỉ lóe lên có một chút thôi, làm sáng cả phố huyện chỉ có một lúc thôi nhưng nó lại khiến cho phố huyện được một lần lung linh, huyền ảo. Dù sau khi nó đi phố huyện lại trở về đúng nguyên trạng của nó, nhưng không sao cả, giống như Xuân Diệu đã từng nói:
Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối
Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm
Nên bạn tôi ơi, xin đừng tuyệt vọng, nếu còn có thể mơ hãy tiếp tục mơ, nếu cảm thấy quá khó khăn để mơ thì xin hãy tìm về những vần thơ, những câu chữ. Văn chương sẽ chữa lành cho bạn mọi nỗi đau, dìu dắt bạn đi qua giông bão của cuộc đời này.
Đó, ai còn dám phủ nhận sức mạnh của văn chương, ai còn dám nói văn học chỉ là phường giả dối? Sở dĩ bạn không biết được giá trị chữa lành của văn học là bởi văn học chưa từng chính thức kê đơn thuốc cho bạn, văn học cũng chưa từng thu tiền phí chữa bệnh của bạn nên bạn vô tình không nhận ra. Thời đại ngày nay, với nhịp sống hối hả, con người dường như luôn phải đối mặt với áp lực, thậm chí áp lực ngày càng tăng chứ không có giảm, nó không chỉ đơn thuần là áp lực về vật chất mà nó còn gánh nặng đến tinh thần, khiến cho con người ta nhụt chí, lùi bước. Nếu một ngày, thật sự bạn đi đến bước đường đó thì xin hãy nghe tôi, cầm một quyển sách văn học lên, đọc nó một cách toàn tâm toàn ý nhất, bạn sẽ nhận ra được nhiều điều, thậm chí là tìm được hướng đi mới cho mình sau những đổ vỡ tưởng chừng như không thể đắp xây lại được.
Xin những vần thơ chắp thêm đôi cánh
Giúp tôi bay lên tận trời xanh
Hòa tiếng chim ca khúc hát trong lành
Để một mai thôi hát khúc đành quên lãng
Trích Hồi kí Ngọc Kiều Long