VỢ CHỒNG A PHỦ – NHỮNG ÂM THANH VỠ
ÂM THANH VỠ
Âm thanh vỡ đầu tiên phải nhắc đến đó chính là tiếng sáo.
Tiếng sáo xuất hiện lần đầu tiên vào đêm tình mùa xuân trước khi Mị trở thành con dâu gạt nợ nhà thống lí Pá Tra.
Tiếng sáo xuất hiện lần đầu tiên đánh dấu cuộc đời tươi đẹp của Mị, dù phải lao động vất vả nhưng chí ít cô còn có được sự tự do, tuy sống thanh bần nhưng đầy tự trọng.
Tiếng sáo xuất hiện lần đầu tiên báo hiệu Mị trưởng thành.
Tiếng sáo xuất hiện lần đầu tiên báo hiệu tài năng và nhan sắc của Mị.
Tiếng sáo lần đầu tiên sẽ đẹp mãi nếu Mị không bị bắt về trình ma, bị A Sử lừa bắt Mị trở thành cô con dâu gạt nợ cho nhà thống lí Pá Tra.
Tiếng sáo lần đầu tiên im bặt khi thanh xuân cô gái bị chôn vùi nơi xó cửa.
Tiếng sáo lần đầu tiên trở thành dĩ vãng không thể quay trở về
Tiếng sáo lần đầu tiên trở thành hồi ức buộc lòng cô gái nhỏ…
Tiếng sáo lần đầu tiên mê man, đắm chìm nay trở thành kí ức tổn thương…
Nghe tiếng sáo nhưng lòng hiu quạnh, giấc mơ xưa buộc chặt niềm đau…
Tiếng sáo lần thứ hai xuất hiện cũng vào đêm tình mùa xuân nhưng là đêm tình mùa xuân của sau nhiều năm tưởng chừng như đã quên lãng.
Tiếng sáo lần thứ hai vực dậy niềm khát khao sống trong lòng cô gái.
Tiếng sáo lần thứ hai thúc giục cô điểm phấn tô son lại, ngạo với nhân gian một nụ cười. Tiếng sáo lần thứ hai mang đến mùa xuân sau bao đêm dài quạnh quẽ…
Tiếng sáo lần thứ hai vực dậy niềm đau từ nơi đáy tim…
Tiếng sáo lần thứ hai xuất hiện giúp Mị biết thế nào là sống cho ra sống? thế nào chỉ là tồn tại? Tiếng sáo ấy giúp cô nhận rõ thực tại bi kịch của chính bản thân mình…
Tiếng sáo lần thứ hai buộc cô hiểu sống sao cho đáng sống?
Tiếng sáo lần thứ hai như gáo nước lạnh tạt vào mặt Mị giúp Mị tỉnh cơn mê….
Tiếng sáo lần thứ hai là tiền đề để Mị nhìn rõ chính mình sau bao năm sống dật dờ, quên lãng…
Tiếng sáo lần thứ hai giúp Mị nhận ra bi kịch của cuộc đời mình, nhận ra Mị và A Sử vốn dĩ không có lòng ở với nhau mà vẫn phải ở với nhau, nhận ra Mị còn trẻ, Mị muốn đi chơi, Mị phải đi chơi. Thứ ngục thất tinh thần giam hãm Mị bấy lâu nay sắp bung vỡ…
Tiếng sáo du dương dập dìu, tiếng sáo như gọi người trong mộng tỉnh dậy, cũng có thể tiếng sáo giúp Mị xoa dịu nỗi đau và nhớ về thời con gái đầy khát vọng…
Bàn tay vẫy vùng trong bóng tối, tiếng sáo càng lúc càng nhỏ dần, xa dần, xa dần…
Tiếng sáo lần thứ ba xuất hiện trong đầu Mị, nó vương vấn, nó chập chờn đưa Mị vào cơn mê. Lúc đó Mị bị A Sử bắt trói đứng vào cột nhà nhưng Mị lại không có cảm giác mình bị trói cho tới khi vòng dây mây siết chặt, khi cổ tay Mị in hằn vết thương…
Tiếng sáo xuất hiện lần thứ ba giống như một thứ thuốc phiện giúp người ta quên đi đau đớn trong chốc lát để rồi sau đó lại mở ra hiện thực phũ phàng…
Tiếng sáo của giấc mơ đã tắt. Âm thanh của hiện thực bắt đầu len lỏi vào.
Âm thanh thứ hai chính là tiếng chó sủa và tiếng chân ngựa đạp vào vách.
Hai âm thanh này đưa Mị trở về với hiện thực cuộc sống bị cầm tù, cố vùng vẫy vẫn không thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn, bế tắc. Kể từ tiếng trống xập xình trình ma vang lên, Mị ngồi giữa nhà thống lí Pá Tra thì lúc ấy hình ảnh của Mị đã gắn liền với con vật, với đồ vật, không còn gắn với con người nữa…
Âm thanh tiếng chân ngựa đạp vào vách còn khiến Mị nghĩ đến thân phận nô lệ của mình, càng nghĩ càng buồn khổ, càng bế tắc, càng muốn chết đi…
Tay chân bị trói chặt, khóc không thành tiếng mà nếu có thành tiếng thì nào có mấy ai nghe, mấy ai thấu, mấy ai có thể giải thoát được cho cô?
Nước mắt cứ thế lặng rơi, rơi từ khóe mắt xuống má, xuống cổ, khó chịu lắm nhưng bản thân không cúi, không nghiêng đầu được thì làm sao có thể lau khô?
Vợ chồng A Phủ – Âm thanh vỡ thứ 3
Âm thanh thứ ba xuất hiện – tiếng nước mắt rơi trong lặng thầm – âm thanh của oán hờn, tủi nhục, của xót xa, đau đớn…
Lần đầu tiên bị bắt về nhà thống lí Pá Tra, đêm nào Mị cũng khóc, khóc đến đau lòng tuyệt vọng để rồi nghĩ đến việc tự sát.
Lần thứ hai xuất hiện là lúc Mị trốn về nhà, nói lời từ biệt với cha, hai cha con cùng khóc. Giọt nước mắt ấy rơi thêm lần nữa nhưng cuối cùng Mị lại gạt giọt nước mắt ấy đi, Mị từ bỏ, Mị cam chịu vì Mị thương cha già yếu nhưng đồng thời Mị cũng đau đớn cho số phận của mình…
Lần thứ ba Mị rơi nước mắt chính là vào cái đêm tình mùa xuân ấy. Đêm của sự thức tỉnh sau bao năm ngủ quên trong cái khổ. Nước mắt oán hờn cứ thế tuôn ra, rơi xuống má, xuống cổ nhưng thân thể bị xiềng xích nên không thể tự lau đi được, khó chịu lắm nhưng không thể làm gì khác.
Giọt nước mắt ấy cũng rơi trong màn đêm thinh lặng, chỉ mình Mị rơi, chỉ mình Mị cảm nhận nỗi đau dày vò…
Giọt nước mắt ấy giúp Mị thấm thía hơn bi kịch của bản thân để rồi cũng từ giọt nước mắt ấy Mị đã biết đồng cảm với người khác hơn sau bao năm phải sống trong cảnh đọa đày ngỡ như bản thân đã chai sạn, thờ ơ.
Giọt nước mắt ấy rơi để thức tỉnh, kết thúc quãng đời nô lệ…
Giọt nước mắt cuối cùng – giọt nước mắt của A Phủ
Phụ nữ rơi nước mắt vì cảm thấy tổn thương, bị dày vò, đau khổ. Còn đàn ông sẽ rơi nước mắt trong hoàn cảnh nào?
Giọt nước mắt ấy rơi sau bao chất chứa oán hờn, giọt nước mắt ấy là giọt nước mắt tràn li, là giọt nước mắt khi anh nhận ra bản thân đang phải chịu sự dày vò không đáng phải chịu, cảm thấy cơ thể đang yếu dần đi, tim đập thoi thóp, thần chết đang trực chờ, hi vọng được cởi trói, được giải thoát là điều không thể.
Giọt nước mắt ấy rơi vừa tố cáo tội ác của cha con thống lí Pá Tra vừa khóc thương cho thân phận của mình. Giọt nước mắt ấy rơi trong đêm đông lạnh lẽo, sẽ chẳng còn gì khi kết thúc cuộc đời tại đây. Nhưng cũng chính giọt nước mắt ấy đã thức tỉnh người đàn bà đêm đêm ra ngồi bên bếp lửa sưởi lửa hơ tay, giúp cô ấy cảm nhận một cách sâu sắc sự đau đớn, khó chịu mà A Phủ đang phải chịu đựng, hiểu được sự vô lí khi xem sinh mạng con người như cỏ rác của cha con nhà thống lí Pá Tra.
Hiểu được rồi thì đi vào hành động, hành động rồi sẽ giải thoát cho nhau. Mị liều lĩnh cắt dây trói cứu A Phủ.
Và giọt nước mắt cuối cùng này có thể xem là giọt nước mắt của sự giải thoát cho hai mảnh đời nô lệ, ngày đêm chịu sự hành hạ về thể xác, chịu sự áp chế về tinh thần vươn tới ánh sáng, tự do và hạnh phúc.
Âm thanh vỡ cuối cùng trong Vợ chồng A Phủ không thể không kể đến đó chính là…
Là sự thinh lặng của bóng đêm và tiếng gió thốc thổi khi Mị và A Phủ dìu dắt nhau chạy khỏi nhà thống lí Pá Tra. Tiếng gió thốc ấy dự báo nguy hiểm tiềm ẩn của bóng đêm, của tội ác buộc Mị và A Phủ phải dốc hết sức mà chạy nhưng đồng thời nó cũng dự báo một tương lai tươi sáng khi con người biết đoàn kết lại, biết nâng đỡ nhau, biết đứng lên đấu tranh, biết làm chủ vận mệnh của mình, không chờ đợi. Gió có mạnh mẽ, có thét gào thì cũng chỉ là bước đệm, là chất xúc tác để con người mạnh mẽ hơn mà thôi. Mị đỡ A Phủ chạy trong đêm đông giá rét, qua được giá rét đêm đó rồi, bình minh sẽ lên, ngày mới lại đến, cuộc đời của họ sẽ được lật sang trang mới tràn đầy hi vọng và niềm tin…
Ngọc Kiều Long tái bút