VÀI DÒNG SUY TƯ VỀ KHỔ THƠ BA, TƯ, NĂM TRONG BÀI THƠ “SÓNG” CỦA XUÂN QUỲNH

VÀI DÒNG SUY TƯ VỀ KHỔ THƠ BA, TƯ, NĂM TRONG BÀI THƠ “SÓNG” CỦA XUÂN QUỲNH

Xuân Quỳnh

Ai đó đã từng nói với tôi rằng: “Nếu chúng ta chịu nhìn cuộc đời bằng những dòng thi ca thì cuộc đời ấy sẽ vô cùng mĩ lệ. Thi ca truy điệu hồn người, thi ca ôm trọn khát khao, thi ca vì người mà thổn thức, thi ca vì người mà tất bật cất lên khúc tình ca. Và khúc tình ca ấy sẽ theo bạn trưởng thành theo năm tháng. Có những mối tình chỉ có thể mượn thi ca để tỏ bày, có những đoạn duyên chỉ có thể mượn thi ca mới có thể lí giải hết kiệt cùng của cảm xúc, mới có thể sống mãi cùng với thời gian.” Xuôi theo dòng thi ca lãng mạn, Xuân Quỳnh đã cảm tác mà viết lên những vần thơ tựa sóng cuốn gió tràn, để mặc thời gian những vần thơ ấy mãi trường tồn theo năm tháng. Ra đời trong bối cảnh khó có thể có được sự lãng mạn, ấy vậy mà bài thơ “Sóng” vẫn có thể khiến con tim độc giả đập những nhịp đập đầy khát khao.

Năm 1967, tại bờ biển Diêm Điền, “Sóng” đã thực sự hoàn thành trọn vẹn sứ mệnh của nó khi đánh động vào tâm tư của bao thế hệ trẻ, thúc giục con người hướng tới sự bao la. Giữa dòng đại dương sâu thẳm, sóng gió ngút ngàn, giữa muôn trùng mưa bom bão đạn mà vẫn giữ được tình yêu, giữ được khát khao, giữ được nhiệt huyết là một điều đáng trân trọng. Nếu được một lần đứng trước biển cả bao la, bạn sẽ cảm thấy như thế nào, chúng ta nhỏ bé ra sao giữa biển lớn, chúng ta đơn độc thế nào giữa biển người bao la? Bước từng bước chậm rãi nơi bờ cát trắng, Xuân Quỳnh cất lên những dòng thơ làm say đắm lòng người:

“Trước muôn trùng sóng bể

Em nghĩ về anh, em

Em nghĩ về biển lớn

Từ nơi nào sóng lên?

 

Sóng bắt đầu từ gió

Gió bắt đầu từ đâu?

Em cũng không biết nữa

Khi nào ta yêu nhau

 

Con sóng dưới lòng sâu

Con sóng trên mặt nước

Ôi con sóng nhớ bờ

Ngày đêm không ngủ được

Lòng em nhớ đến anh

Cả trong mơ còn thức”

Là nhà thơ của những vần thơ dung dị, đời thường, là nhà thơ trưởng thành trong khói lửa chiến tranh thời chống Mĩ, Xuân Quỳnh mang trong mình một nét nữ tính rất riêng. Nữ sĩ không tìm đến những hình tượng xa vời, mĩ lệ nhưng cũng đủ khiến cho độc giả thổn thức không yên. Sinh trưởng trong hoàn cảnh khó khăn, tuổi thơ lại bất hạnh, đời tư thiếu sự trọn vẹn nhưng những vần thơ của chị luôn dạt dào những tin yêu. Chị chọn cho mình một hướng tiếp cận, một cách suy nghĩ tích cực khi nhìn nhận về cuộc đời, bằng sự từng trải,  bằng vốn hiểu biết của bản thân chị đã ghi dấu mình lên cánh đồng văn chương bất tận, như một nét chấm phá không thể lẫn nhòa.

Đề tài tình yêu vốn dĩ không hề xa lạ với mọi nền văn học trên thế giới nhưng để viết được hay, được sâu sắc và có thể thấu cảm trái tim của mọi độc giả thì không phải ai cũng làm được. Thanh Tịnh cũng đã từng thổn thức trong bài thơ “Tình yêu” với những vần thơ dịu ngọt:

“Tình yêu là giải áng mây bay

Là nước sông trôi cuộn tháng ngày”

Ông hoàng thơ tình yêu Xuân Diệu cũng đã bao lần thổn thức với con tim đập những lời yêu đầu trong “Thơ duyên”:

“Con đường nhỏ nhỏ gió xiêu xiêu,

Lả lả cành hoang nắng trở chiều.

Buổi ấy lòng ta nghe ý bạn,

Lần đầu rung động nỗi thương yêu.”

Mỗi nhà thơ, mỗi xúc cảm, mỗi hình tượng đều hướng tới việc tạo nét chấm phá riêng để ghi dấu mình trong vườn thơ tình yêu tuyệt sắc. Xuân Quỳnh cũng không ngoại lệ, chị cũng chọn cho mình một hình tượng riêng để giãi bày cảm xúc đó chính là hình tượng sóng, không phải ngẫu nhiên mà chị chọn “sóng” là hình tượng chủ đạo và cũng là hình tượng xuyên suốt trong toàn bài thơ. “Sóng” dường như có cái gì đó gần gũi với đặc tính của người con gái khi yêu, giấu mình trong sự e dè, kín đáo bộc lộ tâm tình, giấu mình trong sự cuộn trào mãnh liệt vẫn đầm ấm dư vị dịu dàng khó quên. Nhưng dù tồn tại ở trạng thái nào đi chăng nữa thì có một đặc tính không thể thay đổi đó chính là hướng về tình yêu, hướng về khát vọng muôn đời của nhân loại.

Trước biển cả bao la vô cùng vô tận, con người dường như chưa bao giờ che giấu được cảm xúc của mình, người bình thường là thế, thi sĩ lại càng nhạy cảm hơn, khổ thơ thứ ba được mở đầu với hình ảnh “muôn trùng sóng bể” thường thấy trên đại dương. Ngọn sóng ấy ngàn năm vẫn bạc đầu vẫy gọi, ngọn sóng ấy ngàn đời vẫn hát những khúc hát đầy khát khao, chỉ cần đại dương còn tồn tại, chỉ cần còn có ngày mai ngọn sóng ấy mãi du dương cùng năm tháng. Xuất phát từ hình ảnh thực sự thường thấy bên bờ biển, những con sóng bạc trắng vỗ vào bờ, trái tim nhạy cảm của nữ sĩ bắt đầu đập những nhịp đập đầy suy tư, muôn trùng con sóng biển ấy như thét gào, biển rộng lớn mênh mông, nơi nào có biển nơi đó có sóng, dường như đây là hai thực thể luôn xuất hiện cùng nhau, không thể tách rời. Đối với những người đa sầu đa cảm thì “muôn trùng sóng bể” ấy đâu chỉ đơn thuần là một hiện tượng bình thường của tự nhiên mà nó còn mang nhiều tầng nghĩa hơn như thế. “Sóng bể” hay là sóng gió cuộc đời, hay là nhịp đập tình yêu? nữ sĩ chưa từng nói rõ, ta chỉ có thể biết rằng, “muôn trùng” con “sóng bể” ấy đã khơi gợi lên trong thi sĩ nhiều suy tư mà trước hết đó là những suy tư về tình yêu, về “anh”, “em, “biển lớn”. Điệp ngữ “em nghĩ” được lặp lại hai lần như để khắc sâu vào tiềm thức những băn khoăn, trăn trở, những lắng lo về chuyện sau này. “Em nghĩ”, “em nghĩ” chỉ là một lời thủ thỉ, tâm tình theo sóng bể vậy mà tại sao lại khiến con người ta suy tư như thế? Trước hết, chúng ta xét đến cách sắp đặt các từ ngữ, Xuân Quỳnh đặt “anh” trước rồi mới tới “em” và cuối cùng là “biển lớn”, một cách sắp đặt đầy ý vị. Đôi chân trần bước trên những bãi cát mịn, thấu được cái mát lạnh của biển cả, cảm thấy tâm hồn như thư thái, gột rửa hết mọi muộn phiền về cuộc sống cơm áo gạo tiền, những khó khăn thường nhật, nhân vật trữ tình trong phút giây ấy đã nghĩ về “anh” – người mà cô ấy yêu thương quý mến, “anh” – một từ ngữ diễn tả mức độ tình cảm gần gũi, thân thiết, tế nhị. Nghĩ về “anh” là muốn biết anh đang ra sao? anh suy nghĩ thế nào? anh có giống như em? có khao khát ngày gặp lại? có muốn mãi mãi bên nhau? Rồi bất chợt cô ấy quay về với chính bản thân, tự hỏi chính mình, nghĩ về chính mình – chữ “em” xuất hiện như một dấu mốc tạo tiền đề, nền tảng cho những bộc bạch, những giãi bày ở phía sau, dường như trong dòng tâm sự ấy có một luồng cảm xúc nào đó đang phun trào? Nếu đem “anh” và “em” đặt vào “biển lớn” thì liệu đến bao giờ chúng ta mới có thể tìm thấy nhau. Như những chuyến tàu ngày đêm xuôi ngược, như những con thuyền sợ gặp phải phong ba, “biển lớn” ấy có thể là hình ảnh ẩn dụ biểu trưng cho “cuộc đời”, cho những chông gai thử thách mà đôi tình nhân phải vượt qua, và cũng chính “biển lớn” ấy là minh chứng cho một tình yêu bất diệt, nếu đủ yêu, đủ thương, đủ tin tưởng, đủ sự trân trọng thì sau bao sóng to gió lớn con người vẫn có thể trọn vẹn trở về với nhau. Còn nếu tình “anh” và “em” quá mỏng thì “biển lớn” ấy sẽ cuốn trôi đi tất cả và chúng ta sẽ không thể có ngày trùng phùng. “Biển lớn” là nơi bắt đầu cũng là nơi kết thúc. Thật ra, bắt đầu hay kết thúc là do sự lựa chọn của mỗi con người, nếu như thật sự trân trọng, nếu như thật sự muốn nắm bắt con người ta sẽ không dễ dàng buông tay. Cùng trong mạch cảm xúc đó, Xuân Quỳnh tiếp tục đưa ra những câu hỏi, những thắc mắc của mình. Trước hết là “từ nơi nào sóng lên”, có chăng Xuân Quỳnh thật sự không biết, có chăng Xuân Quỳnh thật sự muốn tìm kiếm câu trả lời, à mà nữ sĩ chẳng phải đã lí giải đó sao: “sóng bắt đầu từ gió”, cùng với biển lớn, nơi dung chứa sóng thì gió có thể xem là một cặp bài trùng với sóng, chỉ cần có gió sóng sẽ cuộn trào, chỉ cần có gió sóng sẽ vùng vẫy nơi đại dương, chỉ cần có gió sóng sẽ cất lên điệu tango nồng cháy nhất. Nhưng đây liệu có phải là mục đích thật sự mà nữ sĩ muốn hướng tới hay không? Chắc hẳn là không, con tim nhạy cảm của nhà thơ lẽ nào chỉ dừng lại như vậy? Đọc tiếp những dòng thơ trong khổ thơ thứ tư ta sẽ thấy rõ điều này:

“Sóng bắt đầu từ gió

Gió bắt đầu từ đâu?

Em cũng không biết nữa

Khi nào ta yêu nhau”

Vừa tìm ra được khởi nguồn của sóng thì lại không biết khởi nguồn của gió là từ đâu. Xét theo góc nhìn của thi sĩ thì có lẽ sóng và gió chỉ là cách khơi gợi, là bệ phóng để nữ sĩ đặt ra một câu hỏi dành cho cả thế nhân, câu hỏi của muôn đời và muôn người, câu hỏi không có được một lời giải đáp tường tận. Nữ sĩ chấp nhận đầu hàng “em cũng không biết nữa”, em cũng không biết nữa – một lời tự thú rất nữ tính và đáng yêu. Để rồi dẫn đến câu hỏi thực sự mà nữ sĩ vẫn hằng e ấp: “khi nào ta yêu nhau”. Một câu hỏi khó, đòi hỏi mỗi người phải dùng cả cuộc đời mình để tìm kiếm, cả cuộc đời mình để mà minh chứng cho câu trả lời. Kể cả ông hoàng thơ tình yêu Xuân Diệu cũng phải lắc đầu bó tay, trong bài thơ “Vì sao” Xuân Diệu đã bộc bạch:

“Làm sao cắt nghĩa được tình yêu!

Có nghĩa gì đâu, một buổi chiều

Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt,

Bằng mây nhè nhẹ, gió hiu hiu…”

Đừng hỏi tôi từ lúc nào tôi biết yêu, từ lúc nào tôi yêu em bởi tôi không thể nào trả lời được. Điều duy nhất tôi có thể khẳng định với em đó chính là khi tôi nhận ra thì tình cảm ấy đã lấp đầy cả tâm trí tôi, chiếm lĩnh cả linh hồn tôi, em đã trở thành duy nhất, em “là nữ hoàng của vương quốc đó”. Vào một buổi chiều nắng nhạt, với áng mây nhè nhẹ trôi, với cơn gió hiu hiu thổi tôi nhận ra tôi yêu người.

Tình yêu nó lạ lắm, rõ ràng ta không thể nào đoán định được, ta cũng không thể nào lựa chọn được thời điểm nào ta sẽ yêu, thời điểm nào ta sẽ dừng lại. Ta chỉ có thể thấu triệt được nó thông qua nỗi nhớ nhung, thông qua sự trầm mặc:

“Con sóng dưới lòng sâu

Con sóng trên mặt nước

Ôi con sóng nhớ bờ

Ngày đêm không ngủ được

Lòng em nhớ đến anh

Cả trong mơ còn thức”

            “Con sóng” một lần nữa xuất hiện ở khổ thơ thứ năm, “con sóng” vỗ về trái tim yêu, “con sóng” đập liên hồi thổn thức. Xét về mặt hình thức câu chữ, hình ảnh “con sóng” được lặp lại ba lần trong một khổ thơ dường như có sự trùng lặp, có sự rối rắm, có sự khó lí giải và cũng có sự tỏ bày. Xét về mặt lí trí thì lí trí đã chối bỏ, đã không thể thấu triệt, đã chịu thua trước con tim rồi. Thật ra, hình ảnh “con sóng” này có sự tăng tiến sau mỗi lần xuất hiện, sự tăng tiến ấy được thể hiện trong cảm xúc, ẩn sâu sau từng câu chữ, hình ảnh. Hình ảnh “con sóng” xuất hiện lần đầu là “con sóng dưới lòng sâu”, con sóng dưới lòng đại dương xanh thẳm, mấy ai đong đếm được sức mạnh, sự tàn phá của nó dữ dội đến mức độ nào, nó âm thầm cuộn chảy, chỉ có biển sâu mới biết được thôi, đến khi chúng ta nhận ra thì tất cả đã vỡ òa rồi. Nó giống như sự chế ngự cảm xúc ban đầu của người phụ nữ, có sự kín đáo, e thẹn, không dám tỏ bày nhưng vẫn đầy sự da diết, cồn cào khôn nguôi. Phải chăng đây chính là chất nữ tính của nữ sĩ trong tình yêu? Đến khi bức tường phòng ngự đã không thể kiềm chân được thì “con sóng” hiện lên trên “mặt nước” – tình cảm ấy bắt đầu phơi bày, lộ ra, không còn kiềm chế, không còn do dự, nhân vật trữ tình trực tiếp giãi bày nỗi nhớ nhung. Thán từ “ôi” đặt đầu câu thơ sao mà tha thiết như thế, sao mà mĩ lệ như thế, nó như chiếc cầu nối giúp “con sóng” thứ ba bộc lộ tâm tình. Như Ngưu Lang và Chức Nữ gặp được nhau sau một năm dài xa cách, con sóng thứ ba không ngần ngại bộc lộ nỗi “nhớ bờ” của mình. “Bờ” ở đây là bến đợi, là nơi có người mình yêu thương, là điểm gặp gỡ sau tháng ngày li biệt. Vì “con sóng nhớ bờ” nên con sóng thao thức, con sóng “ngày đêm không ngủ được”, ngày đêm da diết không yên. Thật tinh tế khi nữ sĩ mượn “dưới lòng sâu” và “trên mặt nước” để diễn tả không gian và càng tinh tế hơn khi nữ sĩ mượn “ngày đêm” để diễn tả thời gian, để diễn tả tận cùng của sự nhung nhớ. Trong tình yêu, yêu thường gắn liền với nhớ, có yêu là sẽ có nhớ, có nhớ sẽ có thẫn thờ, sẽ có khao khát, sẽ mong ngóng ngày đoàn tụ, đôi khi chỉ cần nhìn thấy gương mặt, nụ cười, giọng nói của người đó cũng đã cảm thấy ấm lòng. Như trăm sông đổ về biển lớn, như tình yêu ngàn lời em muốn nói cùng anh, nhân vật trữ tình đã không hề né tránh cất lên tiếng nhớ lời yêu: “lòng em nhớ đến anh”, nhớ đến “cả trong mơ còn thức”. Hai chữ “còn thức” nghe sao khắc khoải? Trái tim em đã thuộc về anh nên thao thức cả trong giấc mơ, thổn thức trong từng nhịp thở.

Thử hỏi mấy ai yêu mà không rơi vào trạng thái này, đặt bài thơ trong hoàn cảnh cuộc kháng chiến chống Mĩ đang diễn ra vô cùng ác liệt thì bài thơ vẫn giữ nguyên giá trị của nó. Bài thơ không khiến người chiến sĩ chùng bước mà trái lại càng khiến cho thanh niên trai gái nhiệt huyết lên đường làm tròn sứ mệnh với núi sông, để đất nước có ngày khải hoàn độc lập, để đôi tình nhân trong xa cách giữa “biển lớn” vẫn có thể quay về trọn vẹn với nhau.

Tình yêu thời chiến luôn luôn đẹp, luôn có cái gì đó khiến con người ta bồi hồi, không thể dứt ra được. Rất tinh tế khi nữ sĩ Xuân Quỳnh chọn thể thơ năm chữ để viết ra những vần thơ này. Bởi theo mạch cảm xúc của nhân vật trữ tình, theo sự luân phiên chuyển hoàn của con sóng thì thể thơ năm chữ là tuyệt vời nhất, nó không giới hạn cảm xúc mà nó đầy khơi gợi cùng với sự ngắt nhịp linh hoạt, cảm xúc đan phối khiến cho những vần thơ không hề đơn điệu, mà trái lại nó giàu liên tưởng, gợi lên hình ảnh từng cơn sóng đang khiêu vũ trên đại dương. Có thể nói đoạn thơ là một khúc ca đẹp, nói về tình yêu, sự suy tư, trăn trở cũng như là nhung nhớ của một người phụ nữ mang tâm hồn nhạy cảm nhưng đầy chất nữ tính, đầy sự khát khao. Đọc đoạn thơ, người đọc như được dẫn dắt cảm xúc, từng câu từng chữ quyện hòa để rồi mỗi người tự vấn bản thân, ta là gì giữa biển lớn bao la, giữa tình yêu bất tận, ta có từng sống trọn vẹn cho tình yêu hay chưa?

Tiếc thay cho một tài năng đang độ nở rộ lại nhanh chóng ra đi giữa thi đàn văn chương bất tận, nhưng có lẽ sự ra đi tràn đầy tiếc nuối ấy của nữ sĩ lại càng khiến độc giả trân trọng hơn những vần thơ của chị. Không chỉ có bài thơ “Sóng” mà còn những bài thơ tình khác làm say đắm bao thế hệ trẻ, những bài thơ mà khi đọc mỗi người sẽ nhìn thấy được một phần bóng hình mình trong đó. Mỗi lần cất lên câu thơ, độc giả lại nhớ đến một nữ thi sĩ đầy tài hoa, đầy khát khao, đầy tích cực hướng về cuộc đời, đầy niềm tin vào cuộc sống và tình yêu. Xin mượn những vần thơ trong bài thơ “Thơ tình cuối mùa thu” của nữ sĩ thay cho lời kết:

“Thời gian như là gió

Mùa đi cùng tháng năm

Tuổi theo mùa đi mãi

Chỉ còn em và anh

Chỉ còn em và anh

Cùng tình yêu ở lại…

– Kìa bao người yêu mới

Đi qua cùng heo may”

#Ngọc Kiều Long

 

 

 

No Responses

Write a response