NGƯỜI VỢ NHẶT –NGƯỜI ĐÀN BÀ HÀNG CHÀI – MẢNH ĐỜI –
SỐ PHẬN – SỰ LỰA CHỌN
người đàn bà
Trên cánh đồng văn chương Việt Nam, mỗi cây bút đều mong muốn tìm cho mình một mảnh đất để gieo trồng hạt giống, Kim Lân và Nguyễn Minh Châu cũng không ngoại lệ. Nếu như Kim Lân chọn cho mình hạt giống là những con người nơi thôn quê dân dã, mộc mạc cùng những khao khát bình dị để tạo nên kiệt tác mang tên Vợ nhặt thì Nguyễn Minh Châu lại tìm đến vùng biển để khám phá vẻ đẹp ẩn hiện, những hạt ngọc được ẩn giấu nơi bờ cát trắng để tạo nên một văn phẩm mang tên Chiếc thuyền ngoài xa.
Truyện ngắn Vợ nhặt dựa trên nền nạn đói năm Ất Dậu – năm 1945 – nơi mà ranh giới giữa sự sống và cái chết đôi khi quá mong manh, khó lòng mà phân biệt được, nơi mà con người ta ngày ngày đối diện với tử thần, ngày ngày phải đấu tranh để giành giật lấy sự sống. Bước ra từ phông nền ảm đạm ấy là những con người của ngày đói nhưng đâu đó trong họ vẫn ẩn tàng niềm khát khao, vẫn tràn đầy niềm tin, hi vọng vào một ngày mai tươi sáng. Điểm qua từng trang văn, độc giả có lẽ sẽ không thể nào quên hình ảnh cô vợ nhặt với những mảng tính cách đối lập, gợi nhiều thương cảm về số phận con người khi lâm vào tình cảnh khốn cùng.
Cuộc sống vốn dĩ không thể nhận định một cách rõ ràng, càng không thể nói rõ ai đúng ai sai, sự lựa chọn của ai mới là hoàn hảo. Nguyễn Minh Châu có lẽ cũng đã hiểu rõ điều đó khi ông chọn đặt sự lung linh, huyền ảo, mĩ lệ nên thơ của chiếc thuyền ngoài xa bên cạnh những cái xấu xa của xã hội đời thường. Bước ra từ chiếc thuyền ngư phủ đẹp như mơ là một người đàn bà có ngoại hình xấu xí và cách hành xử kì quặc, có phần khiến cho người bình thường khó lòng mà hiểu nổi. Chiếc thuyền ngoài xa được khai sinh vào thời kì đổi mới nên nó cũng thổi vào hồn độc giả một luồng gió mới, một thế giới quan mới, thế giới quan của hiện thực cuộc đời – thứ được gọi là mặt trái của sự thật. Không phải là cơn gió của đại mạc xa xăm, không phải là cơn gió của những chiều thu yên ả, cũng không phải là cơn gió của mùa đông băng giá, càng không phải là cơn gió tươi mới của mùa xuân. Chiếc thuyền ngoài xa là luồng gió thổi vào từ biển cả nên ngoài sự mát lạnh và nóng rát đến cháy da cháy thịt, nó còn gieo vào lòng độc giả sự một sự day dứt ngậm ngùi, nó khiến con người ta phải suy tư trăn trở, nó đòi hỏi nhà văn phải có cái nhìn mới về con người và cuộc đời, về cuộc đời và nghệ thuật để có được cái nhìn toàn diện và chân thật nhất. Đôi khi ẩn giấu bên trong sự nghịch lí chính là cái có lí, một thứ có lí không phải ai cũng có thể chấp nhận được, đặc biệt là những người ngoài cuộc.
Hai cây bút được xem là nổi trội của làng văn chương Việt Nam, ắt hẳn ngôn từ sẽ rất điêu luyện, rất phong phú? Ấy vậy mà cả hai lại không gọi tên cho nhân vật trong tác phẩm của mình, phải chăng là có dụng ý gì khác? Người vợ nhặt – người đàn bà hàng chài!
Người vợ nhặt xuất hiện thông qua trí nhớ của anh Tràng. Anh kể: có lần đẩy xe thóc lên tỉnh, anh nhìn thấy chị ngồi lẫn trong đám con gái, chủ tâm anh cũng không muốn chọc ghẹo cô nào, chỉ là muốn hò chơi một câu cho đỡ nhọc. Ấy vậy mà chị lại chạy ra đẩy xe cùng anh thật. Rồi đến lần thứ hai, gặp lại chị anh vô tình không nhận ra bởi chị rách quá, cái đói đã cướp đi vẻ ngoài của chị, khiến chị trở nên rách rưới, đói khổ, bần cùng rồi liều lĩnh, dám đem hạnh phúc của bản thân ra đặt cược lên một người đàn ông xa lạ. Bốn bát bánh đúc như là sính lễ để chị bước theo chồng. Bốn bát bánh đúc đủ để chị một lần thử vận may, đủ để chị xác nhận người đàn ông này có thể cưu mang được chị, có thể cho chị được một mái nhà, có thể dìu dắt chị qua cơn đói khát này.
Những dòng văn, câu chữ lướt qua như từng thước phim quay chậm, tái hiện lại hoàn cảnh bi thảm của một con người, mà ở đây nhân vật trung tâm chính là người vợ nhặt. Thông thường, một người phụ nữ khi bước theo chồng có lẽ điều cô ấy mong muốn nhất chính là tình thương, sự quan tâm, thấu hiểu bên cạnh đời sống vật chất thì đó được xem là những điều kiện cần phải có để có thể có được một cuộc hôn nhân hạnh phúc và lâu dài. Hoặc giả chí ít, nếu chàng trai đó nghèo thì nền tảng tình cảm của hai người cũng phải vô cùng sâu nặng, sâu nặng đến mức cô ấy có thể bỏ qua tất cả sĩ diện để theo không chàng trai ấy. Đằng này, chị và anh Tràng chỉ mới có hai lần gặp gỡ, với những câu tầm phơ tầm phào, chị chỉ biết được anh Tràng chưa có vợ nhưng vẫn chưa thể xác minh được điều đó có phải là sự thật hay không? chị đã vội vàng đi theo anh. Một quyết định có phần chóng vánh, nguy hiểm. Độc giả ắt hẳn sẽ đặt câu hỏi: điều gì khiến chị có thể đưa ra quyết định nhanh chóng như vậy?
Xét từ thời điểm ban đầu chị xuất hiện cho đến lần thứ hai khi gặp lại anh Tràng, ít nhiều ta cũng có thể suy đoán ra, có lẽ chị đã đi đến bước đường cùng, chị cần một chỗ dựa, một người giúp chị chạy trốn khỏi nạn đói, chạy trốn khỏi cái chết đang bủa vây. Chị muốn phản kháng lại số mệnh, muốn tìm kiếm ngày mai, muốn xua tan đi mùi thối rửa của xác chết, muốn được hồi sinh, muốn một lần chạm tay đến hạnh phúc. Và anh Tràng lúc này có thể xem như là chiếc phao cứu sinh, bến bờ, điểm tựa để chị có thể thực hiện ước mơ của mình – một ước mơ vốn dĩ vô cùng đơn giản nhưng lại vô cùng khó khăn để thực hiện – ước mơ được sống.
Có thể nói, nhà văn Kim Lân đã rất dụng tâm khi miêu tả người vợ nhặt, không chỉ ở ngoại hình mà còn ở diễn biến tâm lí. Nếu ngoại hình của người vợ nhặt được tác giả khắc họa chủ yếu là để tố cáo nạn đói, tố cáo thực dân Pháp và phát xít Nhật thì nội tâm của chị là để tố cáo điều gì?
Ở lần thứ nhất và lần thứ hai xuất hiện, ta có thể dễ dàng nhận thấy, chị là một người phụ nữ cá tính, có phần đanh đá, dữ dằn và đặc biệt là thích lấn lướt anh Tràng. Lần thứ nhất khi nghe Tràng hò, chị đã cong cớn, ton ton chạy lại đẩy xe giúp, lần thứ hai gặp lại điều đầu tiên chị làm chính là mắng anh Tràng “Điêu, người thế mà điêu”, mắng xong sau đó lại gợi ý để được ăn “ăn gì thì ăn, chả ăn giầu”, được ăn rồi thì chị cắm đầu ăn một chặp bốn bát bánh đúc, không hề nói với anh Tràng một câu nào, ăn xong còn quệt ngang đôi đũa, một hình ảnh có thể nói là không được đẹp, có phần thiếu ý tứ, e dè. Thậm chí, chị còn táo bạo hơn nữa, chị đảm nhận cả việc dạm hỏi, chị thử dò hỏi anh Tràng có vợ hay chưa, lúc Tràng trả lời “làm đếch gì có vợ” rồi bảo “Có về với tớ thì ra khuân hàng lên xe rồi cùng về?” , chị đã bước tới cùng anh khuân hàng lên xe, cùng anh về nhà thật.
Hình tượng ban đầu mà tác giả dựng xây cho chị có phần chua ngoa, đanh đá, vì có được miếng ăn mà làm tất cả, thậm chí là đánh mất phẩm giá của người phụ nữ. Viết đến đây, có lẽ nhà văn đã đặt một dấu chấm hỏi lớn trong lòng độc giả: liệu hoàn cảnh phải khốn cùng đến mức nào, cái đói đáng ghê sợ đến mức nào mới khiến cho người phụ nữ chấp nhận liều lĩnh như vậy? Liều lĩnh trong sự lựa chọn, liều lĩnh ở lời nói, ở hành động nhưng nội tâm của chị thực sự là như thế nào? có giống như vẻ ngoài hay không?
Bước theo anh Tràng về nhà, chị chỉ dám bước theo sau, nón rách che nửa mặt, có phần ngượng nghịu, xấu hổ, không nói nên lời, có lẽ chị đã sợ hãi, sợ cái tiếng “theo không”, sợ miệng đời độc ác, sợ anh Tràng sẽ thay đổi quyết định. Chị dường như đã lột xác hoàn toàn, không còn vẻ chua ngoa, đanh đá ban đầu thay vào đó là vẻ e thẹn của cô dâu mới về nhà chồng dù khung cảnh đám cưới thiếu đi tất cả. Đứng trước sự chọc ghẹo của những đứa trẻ và cái nhìn đầy soi mói của người dân xóm ngụ cư, chị đã có phần ái ngại cho thân phận của mình. Có lẽ, tận sâu trong tiềm thức chị cũng biết được sự lựa chọn của mình quá nguy hiểm!
Khung cảnh tiếp theo mở ta trước mắt chị là khung cảnh xóm ngụ cư xác xơ, nghèo đói với mùi ẩm thối của xác chết, với âm thanh tiếng quạ kêu tử thần, với hình ảnh những người sống bồng bế dắt díu nhau xanh xám như những bóng ma là hình ảnh căn nhà của Tràng, một căn nhà nằm sau những bụi cỏ dại mọc lỏm nhỏm, dường như là bỏ hoang không có người coi sóc, chị đã nén tiếng thở dài. Một tiếng thở dài của sự thất vọng bởi hoàn cảnh gia đình chồng thật sự không khá giả gì, nhưng ẩn đằng sau sự thất vọng ấy, tiếng thở dài còn mang ý nghĩa của sự cam chịu, chấp nhận. Người vợ nhặt ý thức được mình cần phải làm nhiều việc để có thể giúp đỡ gia đình chồng khấm khá hơn. Không còn là người phụ nữ cong cớn, đanh đá mà thay vào đó là hình ảnh một người phụ nữ rụt rè, có phần lo lắng, suy tư. Chị chỉ dám ngồi móm xuống mép giường chứ không dám ngồi tự nhiên, tư thế “ngồi móm” gợi cái gì đó chông chênh, khó vững, nếu không cẩn thận có thể ngã đổ. Dường như tư thế ấy đã lột tả hết nửa phần đời của chị – một người phụ nữ phiêu dạt vì nạn đói, đánh mất đi phẩm giá cũng vì nạn đói, chị không khóc như những người phụ nữ khác, chị lựa chọn con đường đi riêng cho mình và khi đã đưa ra sự lựa chọn, chị cũng đã cố gắng hết sức để có thể lèo lái con thuyền cuộc đời mình qua khỏi cơn sóng gió này. Sau cơn dông bầu trời sẽ sáng trong trở lại, nếu có thể sống ở hiện tại vẫn còn tốt hơn so với một tương lai đầy sự mơ hồ. Chị ấy đã lựa chọn, lựa chọn một người đàn ông gia cảnh không tốt, ngoại hình không đẹp, tính cách cũng không thể gọi là hoàn hảo và đặc biệt là chỉ mới quen biết sau hai lần gặp gỡ. Sự lựa chọn của chị gợi lên sự mong manh của một kiếp người lênh đênh, phiêu bạt. Hình ảnh của chị làm tôi nhớ hai câu thơ trong bài thơ “Tràng giang” của nhà thơ Huy Cận:
“Thuyền về, nước lại sầu trăm ngả
Củi một cành khô lạc mấy dòng”
Cô đơn, bơ vơ, trơ trọi, không một người thân thích, không có được một tên gọi thật sự để định danh. Không có nơi đi, không có chốn về, phiêu du, phiêu lạc, nhỏ nhoi bước đi trên dòng đời. Có lẽ, nếu được sinh ra ở một thời đại khác, chị có thể sẽ có được nhiều sự lựa chọn hơn, chứ không nhất thiết phải chấp nhận “theo không” người khác như thế này. Bước từng bước thật chậm theo sau người đàn ông xa lạ, chị bước về phía ánh sáng, về sự sống nhưng sao người đọc vẫn cảm thấy khóe mắt cay cay, chua xót cho một kiếp người vạn dặm lưu lạc. Chị cùng Tràng chờ đợi bà cụ Tứ quay trở về, thử hỏi: ai có thể đếm được nhịp đập trái tim chị lúc ấy, ai có thể đo được sự lo lắng của chị? Người ta thường nói “con dâu xấu cũng phải gặp mẹ chồng”, chị vốn dĩ không xấu nhưng chị lại bước vào nhà chồng quá đột ngột, quá bất ngờ, chị không biết rõ mẹ chồng tương lai ra sao? liệu bà ấy có chấp nhận, có cảm thông cho hoàn cảnh của chị hay không? hay là tiếp tục bị xua đuổi, tiếp tục bước về phía thần chết? Tiếng reo của anh Tràng khi nhìn thấy bà cụ Tứ quay trở về như là một âm thanh đưa chị trở về với miền thực tại, đánh thức chị khỏi những suy nghĩ bâng quơ, chị cất tiếng chào bà cụ Tứ “con chào u!”, chị chào bà cụ, tiếng chào ấy cũng như là âm thanh thúc giục chị hãy can đảm đối diện với sự thật, đối diện với sự lựa chọn của mình. Nhưng đáp lại tiếng gọi ấy là sự im lặng, sự im lặng đáng sợ, ít nhất là đáng sợ với cô dâu mới chưa được sự chấp thuận của mẹ chồng mà đã bước vào nhà như chị, chị dặn lòng chắc bà cụ chưa nghe rõ nên đã cất tiếng chào lần thứ hai, đổi lại lần này vẫn là một sự im lặng, không khí có chút ngột ngạt, căng thẳng. Và Tràng đã phá vỡ sự căng thẳng đó, Tràng giải trình với bà cụ Tứ, còn chị, chị đứng im lặng, không nói thêm câu nào! Có lẽ là không dám nói hoặc giả là không biết phải nói gì, nói như thế nào cho rõ. Để rồi, khi nhận được sự chấp thuận của bà cụ Tứ, cả ba người dường như trút được gánh nặng trong lòng, độc giả cũng theo đó mà thở phào nhẹ nhõm.
Đêm tân hôn diễn ra trong không khí có phần thảm hại, nào là mùi xác chết, tiếng khóc than của những nhà có người chết nhưng cũng may, anh Tràng thật tinh ý, anh ấy đã chấp nhận bỏ tiền ra mua dầu thắp sáng căn phòng tân hôn, tuy ánh sáng ấy có phần nhỏ nhoi nhưng ít nhất nó cũng xóa bớt đi sự u ám của những mảnh đời chông chênh, ngày ngày giành giật sự sống từ tay tử thần. Luồng ánh sáng ấy làm tôi nhớ đến hai câu thơ “Cảnh đoạn trường” của Thái Can
“Em ơi điểm phấn tô son lại
Ngạo với nhân gian một nụ cười”
Mua dầu thắp sáng căn phòng để soi rõ dung nhan của ai? Của căn phòng tân hôn, của người vợ nhặt, của chính bản thân anh Tràng hay là của tất cả? Vốn dĩ họ đang đứng trong sự tối tăm, đứng trên bờ vực của cái chết nhưng đâu đó trong họ vẫn còn chút gì đó gọi là niềm tin, là khát vọng, là tương lai. Tuy trong câu nói “sang nhỉ?” của người vợ nhặt có chút hờn trách vì anh Tràng tiêu tiền nhưng tận sâu trong lòng chị, ắt hẳn là có tồn tại niềm vui, sự an ủi, Tràng không vì chị theo không về nhà mà đối xử tệ bạc với chị. Tràng tinh ý, chị càng tinh ý hơn, không ai trong họ nói về nỗi khổ đau, những mất mát, họ dùng chính tình thương của mình để dìu dắt, để soi sáng cuộc đời nhau. Dù đám cưới thiếu đi tất cả nhưng lại đầy ắp tình thương, sự cảm thông, trân trọng điều mà không phải ai cũng làm được. Có những người được sống trong nhung lụa giàu sang nhưng lại mang trái tim giả dối, họ có tất cả những giá trị vật chất, có cuộc sống đủ đầy, có ngoại hình bắt mắt nhưng họ lại bị tật nguyền về tinh thần, trái tim họ bị khiếm khuyết ví như những nhân vật trong tác phẩm “Số đỏ” của tác giả Vũ Trọng Phụng, họ khoác lên mình bộ áo của tầng lớp thượng lưu, của những con người có tri thức nhưng lại đánh mất đi đạo đức căn bản của một con người, họ hám danh, hám lợi sẵn sàng vì danh lợi mà làm những chuyện trái với lương tâm đạo đức. Trên nền nạn đói có một đám cưới thiếu tất cả nhưng lại đầy ắp tình người vẫn hơn nhiều so với một đám ma có tất cả nhưng lại đánh mất đi lương tri cơ bản của một con người. Suy cho cùng, tất cả đều nằm ở sự lựa chọn, dù giàu sang hay nghèo khổ, thứ khiến con người ta trân trọng mãi mãi là đạo đức, là tình thương, không ai dành sự ngợi ca cho kẻ hám danh hám lợi, giả nhân giả nghĩa, từ ngàn xưa cho đến ngày nay và muôn đời sau vẫn thế.
Thức dậy sau đêm tân hôn, chị vợ nhặt đã nhanh chóng hòa nhập vào cuộc sống gia đình chồng, chị cùng bà cụ Tứ dọn dẹp nhà cửa, sửa sang lại để căn nhà sáng sủa hơn. Chị được ví như luồng gió mới thổi tan sự u ám của xóm ngụ cư, chị như niềm tin, như hi vọng hay ít nhất chị cũng khiến họ nghĩ đến những điều khác ngoài cái đói và cái chết. Với tôi, chị vợ nhặt như là ngọn đuốc trong đêm, tuy không thể soi sáng cả một bầu trời nhưng ít nhất cũng giúp con người có thể nhìn rõ con đường phía trước mình đi, để họ có thể vững vàng hơn, tự tin hơn đón nhận những thử thách với sự chủ động.
Trong buổi sáng hôm ấy, độc giả thông qua nhân vật Tràng đã nhìn rõ hơn những phẩm chất của người vợ nhặt, đâu còn người phụ nữ đanh đá, chua ngoa rõ ràng hiện lên là một nàng dâu thảo, cô vợ hiền. Cũng trong cơm ngày ấy, một bữa cơm đạm bạc, với nôi cháo lỏng bỏng, với lùm rau chuối thái rối, ba người họ chẳng ai được ăn no, khung cảnh ấy thật sự là quá thảm hại, thảm hại nhất chính là đối với nàng dâu mới, bởi đây là bữa cơm đón dâu đầu tiên khi cô bước về nhà chồng. Nhưng đặc sắc nhất, thể hiện rõ nhất sự ý tứ, hiểu chuyện của người vợ nhặt vẫn là chi tiết nồi cháo cám của bà cụ Tứ, chính chi tiết này, một lần nữa cho ta thấy được sự ý tứ, hiểu chuyện của chị. Đón nhận bát cháo cám, nghẹn ứ trong cổ nhưng vẫn cố gắng nuốt, nuốt thật nhanh những nhọc nhằn, vất vả này. Người ta nói phải đặt vào tình huống có vấn đề, phải đặt vào nghịch cảnh ta mới có thể thấy được nhân cách thật sự của một con người. Và chị vợ nhặt có lẽ chính là minh chứng đặc sắc nhất. Chạy trốn cái đói, sống cùng cái đói hay thẳng thắn đối diện với cái đói để tìm ra giải pháp khắc phục tình trạng này? Nếu như vai trò của người vợ nhặt chỉ kết thúc ở đó thì câu chuyện này sẽ thiếu đi sự hấp dẫn, ở đây, người vợ nhặt không chỉ đóng vai trò là nạn nhân của cái đói, chị còn là người truyền tin cho cách mạng, khích lệ nhân dân đứng lên đấu tranh. Chị kể câu chuyện người ta đi phá kho thóc Nhật phát cho dân nghèo, kể với sự hăng say, có phần dồn dập như thúc giục, như hồi trống kêu gọi anh Tràng và những người dân nơi xóm ngụ cư đứng lên tự cứu lấy bản thân mình. Chỉ khi trong ý thức người dân biết tự giác ngộ thì lúc đó cuộc đời của họ mới đổi thay, mới có thể lật sang trang mới.
Biển nhẹ nhàng với từng đợt sóng vẫy gọi, biển nên thơ bởi khói sóng xa bờ làm mờ ảo cả không gian, biển không cô đơn bởi biển còn có những con thuyền trên mặt nước dù đôi lúc biển dở chứng khiến con thuyền như chông chênh. Nhưng dù chông chênh thì muôn đời thuyền và biển vẫn gắn bó, đôi lúc sương mờ che mất đi màu mây, đôi lúc con thuyền như chênh vênh giữa bao lần sóng vỗ nhưng rồi sau đó tất cả lại đâu vào đấy. Bởi người đời có hảo cảm đặc biệt với nỗi đau, với sự mờ ảo, càng đau càng khiến con người ta da diết khôn nguôi, càng mờ ảo càng đẹp càng khiến con người ta muốn khám phá. Đi tận cùng trời cuối đất, ngắm nhìn vạn vật, thấu hiểu sự thay đổi của nhân gian dù chỉ là một khoảnh khắc. Có người chọn ghi lại nơi mình đi qua bằng những dòng nhật kí, có người lại chọn viết thành những bài văn, bài thơ, những câu chuyện, có người lại chọn lưu lại bằng những bức ảnh mặc kệ người đời nhận xét ra sao? mặc kệ đúng sai, chỉ bản thân mình thầm hiểu bởi người đời chỉ nhìn thấy bức ảnh, không trải qua được khung cảnh trong bức ảnh, không trực tiếp chứng kiến, có người cảm nhận sâu sắc, chỉ với vài ba hình ảnh có thể hiểu được một triết lí nhân sinh, cũng có người chỉ nhìn thấy vẻ đẹp bên ngoài mà thôi, chưa từng suy xét cũng chưa từng muốn thấu hiểu.
Thiên nhiên chỉ đẹp khi thiên nhiên không có con người? Con người xuất hiện, thiên nhiên sẽ ẩn tàng nỗi đau. Có thật như vậy không? Khung cảnh thuyền và biển chúng ta có thể bắt gặp ở bất cứ vùng biển nào nhưng không phải khung cảnh thuyền và biển nào cũng để lại sự day dứt cho người vô tình chứng kiến, vô tình chiêm ngưỡng, vô tình khám phá rồi vô tình lật mở từng nỗi đau đang giấu nhòa trong màn sương mờ ảo. Cái xấu đôi khi lại được bao bọc bởi một vẻ ngoài vô cùng hoàn hảo, khiến con người vô tâm vô ý không nhận ra. Nỗi đau có thể là cả một bầu trời nước mắt, nỗi đau cũng có thể là từng cơn sóng thét gào, nỗi đau cũng có thể là sự lặng im đến bình thản, nhẹ nhàng đến kì lạ. Nỗi đau có thể ru hồn người đắm chìm trong cảm xúc ấy, mãi mãi không thể thoát ra, vì không thể thoát ra nên phải sống chung với nó, phải cắn răn chịu đựng. Người đời có thể cười sao bạn quá ngu ngốc, trách bạn sao không từ bỏ nhưng sẽ không bao giờ thấu được những vết thương hằn sâu trong tim bạn, không bao giờ thấu được điều bạn thật sự mong muốn. Người đàn bà hàng chài cũng như vậy, người đời không hiểu rốt cuộc chị mong muốn gì từ những trận đòn roi, từng những vết thương mà ngần ấy năm phải chịu đựng?
Giống như người vợ nhặt, người đàn bà hàng chài cũng không được gọi tên, sự xuất hiện của chị cũng có phần đột ngột, như gợi mở, báo trước một điều gì đó ẩn đằng sau vẻ lung linh, huyền ảo của chiếc thuyền ngoài xa lờ mờ trong sương sớm. Chị có thân hình thô kệch, tấm lưng áo bạt phếch, nửa thân dưới ướt sũng, dáng vẻ của sự lam lũ, đói nghèo. Dáng vẻ bên ngoài của chị dường như đối lập hoàn toàn với sự tuyệt mĩ của thiên nhiên nhưng câu chuyện về cuộc đời của chị còn khiến con người ta day dứt hơn nữa. Rõ ràng, khi tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” ra đời, nước ta lúc bấy giờ đã độc lập, không còn chịu cảnh xiềng xích, nô lệ, không còn phải chịu cảnh tôi đòi nữa nhưng tại sao người đàn bà này lại có một cuộc đời vô cùng không hạnh phúc? Nạn đói năm Ất Dậu đã là quá khứ, chiến tranh cũng đã đi qua, những năm tháng bình yên bắt đầu quay trở lại, tại sao trên gương mặt con người lại in hằn những nỗi đau?
Không giống như người vợ nhặt, người đàn bà hàng chài xuất hiện bên bờ biển, khi thuyền đã cập bến, xuất hiện bằng dáng vẻ mệt mỏi của một người lao động vùng biển sau một đêm dài thức trắng kéo lưới mà không thu hoạch được gì! Chuyện sẽ chẳng là gì nếu không có những sự việc ở đằng sau, người phụ nữ bước tới và đứng yên sau chiếc xe tăng hỏng, sau lưng bà ta là người đàn ông trông có vẻ độc dữ, ông ta dùng chiếc thắt lưng da, đánh tới tấp vào lưng người đàn bà, vừa đánh vừa chửi. Phản ứng của người đàn bà càng khiến người ngoài cuộc bất ngờ hơn, mà ở đây chúng ta có thể thấy đó chính là phản ứng của nhiếp ảnh Phùng, trước khi người đàn bà xuất hiện nội tâm của Phùng dường như được thanh lọc bởi vẻ đẹp của thiên nhiên, của đất trời, sau khi người đàn bà xuất hiện nội tâm Phùng đã không còn bình thản nữa, anh như bị đứng hình trước khung cảnh đang hiện ra trước mắt mình. Lương tâm của một con người, đặc biệt là một người từng chiến đấu với bom đạn của kẻ thù thì đâu dễ dàng gì bỏ qua những nghịch lí, bất công. Anh vội vã can thiệp nhưng cậu bé vùng biển – Phác – con trai của người đàn bà hàng chài đã nhanh chân hơn, cậu bé đã giành lấy dây thắt lưng của người cha, ngăn cản cha đánh mẹ và cuối cùng bị cha đánh cho một đòn. Phùng đã chứng kiến tất cả, chứng kiến những mảng tối, những cái xấu xa ẩn đằng sau cái đẹp tuyệt mĩ, giây phút đó Phùng như không tin vào chính mình, trên đời lại có những sự việc trái khoáy đến vậy. Vô tình anh được chứng kiến cảnh bạo lực gia đình, cảnh bạo lực mà người phụ nữ im lặng chịu đựng, không một lời kêu van hay trốn chạy. Nhưng cũng vì sự chứng kiến của anh mà người đàn bà hàng chài càng tủi nhục và xấu hổ hơn. Có lẽ, chị đã quá quen với những trận đòn roi, nhưng dù có quá quen chị cũng không muốn người ngoài nhìn thấy cảnh này, đây có thể xem như là sự tự trọng cuối cùng của chị. Chị ý thức được nhân phẩm của mình nhưng không thể làm gì khác để có thể thay đổi hoàn cảnh của bản thân, chỉ có thể cắn răng chịu đau. Chính sự cắn răng chịu đau ấy đã đặt vào lòng nhiếp ảnh Phùng, vào lòng độc giả những câu hỏi mơ hồ, khó hiểu.
Vùng biển sau những ngày bình yên là những đêm sóng vỗ, ẩn đằng sau sự dịu dàng là sự thâm trầm, bí ẩn của đại dương mênh mông. Lần đầu xuất hiện là khung cảnh bị chồng đánh, lần thứ hai xuất hiện cũng không khác là bao nhiêu. Chỉ khác là lần này, người can thiệp chính là nhiếp ảnh Phùng thay vì thằng Phác. Sự xấu hổ, sự tủi nhục càng lúc càng tăng nhưng vì sao chị vẫn cam chịu sống trong cảnh đó? Có người cho rằng: là do chị thất học, là do chị ngu muội, là do chị mù quáng nên mới trở thành nạn nhân của nạn bạo lực gia đình. Cũng có người cho rằng chị vừa là nạn nhân lại vừa là thủ phạm bởi chị đã chọn im lặng, chọn chấp nhận, chị đã vô tình tiếp tay cho cái ác hoành hành.
Được mời tới tòa án huyện, dáng vẻ ban đầu của chị có phần rụt rè, trốn một góc không dám nói chuyện, được chánh án Đẩu hỏi chuyện và đưa ra lời khuyên, chị đã có thái độ khiến cho chánh án Đẩu, nhiếp ảnh Phùng và độc giả càng bất ngờ hơn. Chị van lạy tòa án, đừng bắt chị phải bỏ chồng, chị chấp nhận đi tù nhưng nhất định không chịu bỏ lão chồng vũ phu. Chính hành động của chị đã khiến cho người đọc phải bất ngờ, muốn biết rốt cuộc vì sao chị lại lựa chọn như thế?
Thay vào sự nhút nhát ban đầu, chị đã thay đổi giọng điệu, gọi chánh án Đẩu và nhiếp ảnh Phùng là “các chú”, xưng “chị”, chị kể cho họ nghe về cuộc đời của chị. Ngày đó, chị là một cô gái xấu xí, lỡ làng, chồng chị khi ấy tuy cục tính nhưng hiền lành, chưa bao giờ đánh chị. Nhưng vì cuộc sống gia đình khó khăn, thuyền chật, lại đông con, có những bữa thiếu ăn phải ăn xương rồng luộc chấm muối. Cảnh đời có thể nói là vô cùng bất hạnh. Gia đình chị cũng từng được cấp nhà nhưng không thể ở vì ở sẽ không thể làm công việc trên biển được nữa. Chị cho rằng, tất cả những khốn khó của gia đình đều do chị mà ra, do chị sinh nhiều quá, mà không chỉ mỗi chị, những gia đình thuyền chài khác, nhà nào nhà nấy cũng có trên dưới chục đứa con, chị không thể li hôn được vì đàn bà ở trên thuyền chỉ có thể sống cho con chứ không thể sống cho chính mình được, thuyền cần một người đàn ông chèo chống, những đứa trẻ thì cần một người cha. Vả lại, không phải lúc nào chị cũng đau khổ, những lúc vui nhất là gia đình hòa thuận, nhìn đàn con được ăn no.
Nghe chị kể mà độc giả rơi nước mắt, phải đi đến tận cùng nỗi đau như thế nào mới có thể khiến con người ta bình thản đến vậy? Bình thản nói về nỗi đau, bình thản nói về lam lũ đói nghèo, bình thản đối diện dông gió, xem đó là lẽ tự nhiên biến động tuần hoàn của biển cả…. Không ai có thể lí giải, chỉ có những người trong cuộc mới thấm. Tôi thương người đàn bà hàng chài nhưng tôi không đồng tình với quan điểm ôm hết tội lỗi vào mình của chị, bởi điều đó là ngu ngốc, là mù quáng. Một người mẹ thương con, điều đó không có gì là lạ nhưng thương con đến mức chấp nhận đòn roi như những việc bình thường quả là quá sức chịu đựng. Rõ ràng, chị có lí lẽ của riêng chị, một lí lẽ khiến cho cả Phùng và Đẩu đều đuối lí. Vì đói nghèo, vì miếng cơm manh áo đã khiến cho con người ta đánh mất đi phẩm giá của mình, nếu chính bản thân họ không tự giác ngộ, người khác cũng khó lòng giúp đỡ. Đúng là cuộc đời cần có cái nhìn đa diện nhưng bản thân của người chịu nhiều bi kịch cũng cần có suy nghĩ tích cực và tự tìm giải pháp để thoát khỏi hoàn cảnh chứ không phải cam chịu, khuất phục trước hoàn cảnh. Nói người đàn bà hàng chài thương con, quả không sai nhưng tình thương này liệu có quá mù quáng, chị vì thương con mà che giấu tất cả nhưng chị có bao giờ nghĩ nếu sự thật được phơi bày những đứa trẻ liệu có chịu nổi hay không? Liệu có đứa nào đi theo vết xe đổ của cha? Rõ ràng, trong suy nghĩ của thằng Phác, nó đã lựa chọn dùng bạo lực để chống lại bạo lực rồi! Quả là vô cùng nguy hiểm!
Viết về người đàn bà hàng chài, viết về cuộc đời chị, có lẽ Nguyễn Minh Châu muốn gióng lên một hồi chuông cảnh báo về sự khó khăn trong việc mưu sinh, về miếng cơm manh áo, về nạn bạo lực gia đình, nạn thất học, sự mù quáng trong nhận thức của một số người. Chính những vấn nạn trên đã mài mòn đi nhân cách, thiêu rụi đi ý chí, làm mờ đi tương lai, khiến người trong cuộc rơi vào cái vòng luẩn quẩn không lối thoát. Đáng thương nhất chính là những đứa trẻ, cuộc đời chúng nhấp nhô, chông chênh, không bến bờ, không tìm được nơi neo đậu để có được sự an yên. Cuộc đời, chỉ có thể đẹp khi đời sống vật chất được đảm bảo, nạn thất học, nạn bạo lực gia đình được giải quyết một cách triệt để bằng không tất cả lí lẽ đẹp đẽ đều chỉ nằm trên trang giấy, không có lợi ích thiết thực gì.
Định danh là để gọi tên một người cho dễ, để xác định vị trí, vai trò, số phận của từng cá nhân. Vậy không định danh là sao? Vì lẽ nào mà không thể định danh? Phải chăng vì có quá nhiều cảnh đời, mảng đời giống nhau cho nên định danh là điều không thể? Tuy hai ngòi bút khác nhau, viết về hai mảng đời khác nhau nhưng tựa chung lại, điều mà họ muốn chắc hẳn là để nhân vật của mình nằm trong một nhóm đối tượng, đại diện cho một nhóm đối tượng – một nhóm đối tượng vô tình bị lãng quên.
Điểm giống nhau của người vợ nhặt và người đàn bà hàng chài chính là cùng chịu sự tác động của nạn đói, của miếng cơm manh áo, cùng bị tàn phá về hình hài, cùng bị che giấu phẩm chất thật sự. Nhưng ở họ vẫn có một số nét khác biệt, người vợ nhặt hiện ra với hình dáng gầy nhom, rách rưới, dáng vẻ của một người bị đói ăn lâu ngày. Còn người đàn bà hàng chài hiện lên cùng với sự lam lũ, đói nghèo, cam chịu, nhẫn nhục. Người vợ nhặt liều lĩnh, chấp nhận mạo hiểm để tìm kiếm sự sống, còn người đàn bà hàng chài cắn răn chịu đau để cho đàn con mình được sống. Người vợ nhặt không rơi nước mắt, còn người đàn bà hàng chài rơi nước mắt rất nhiều. Khó có thể so sánh được ai bi kịch hơn ai? Bởi họ được đặt ở hai giai đoạn khác nhau, họ có hai hoàn cảnh khác nhau và hai cách giải quyết vấn đề khác nhau.
Người vợ nhặt có thể liều lĩnh bởi chị chỉ có một mình, điều chị trốn chạy lúc ấy chính là nạn đói. Còn người đàn bà hàng chài không như vậy, chị không thể trốn chạy cũng không muốn trốn chạy. Chị gánh trên lưng trách nhiệm của một người làm mẹ. Tuy rằng cả hai đều khao khát hạnh phúc gia đình nhưng con đường họ đi, sự lựa chọn của họ không đồng nhất, cũng không thể đồng nhất, chỉ có thể nói mỗi người mỗi cảnh. Với người vợ nhặt, hạnh phúc gia đình là có được một mái nhà vượt qua được nạn đói. Còn với người đàn bà hàng chài, hạnh phúc của chị là nhìn cảnh gia đình vợ chồng con cái hòa thuận, nhìn đàn con của mình được ăn no.
Tôi không có quyền phê phán bất kì ai cả, bởi vì đứng trước hoàn cảnh như họ, chưa chắc tôi đã đưa ra được sự lựa chọn tốt hơn. Điều tôi muốn nói ở đây chính là, con người dù trong bất cứ tình huống nào cũng phải nhìn nhận ở nhiều góc độ, xem xét nhiều giải pháp để có thể giúp bản thân thoát khỏi nghịch cảnh. Đừng quá u mê ôm tội lỗi vào bản thân mình, bởi đôi khi điều đó lại là chất xúc tác đẩy nhanh hơn tới bi kịch mà thôi.
Có lẽ, khi viết về người vợ nhặt Kim Lân muốn nói về sự lựa chọn của con người ngày đói, khát vọng của con người ngày đói. Ông trân trọng, ngợi ca những phẩm chất, những khát khao ẩn tàng của họ. Hoặc giả, người vợ nhặt cũng là một hình tượng tiêu biểu cho câu nói: Hãy tự cứu lấy mình, trước khi quá muộn. Nếu bản thân bạn không tự cứu mình thì còn chờ đợi ai?
Có lẽ, khi viết về người đàn bà hàng chài, Nguyễn Minh Châu đầu tiên là muốn thương xót, muốn xã hội quan tâm hơn những mảnh đời trong thời bình. Chiến tranh đã cướp đi quá nhiều sinh mệnh, đã gây ra quá nhiều đau thương rồi. Đất nước cần thời gian để hồi phục, muốn đất nước hồi phục thì trước hết từng người phải hồi phục, không chỉ hồi phục về sức lực mà còn hồi phục về tinh thần, đừng quá u mê, đừng quá trầm trọng hóa vấn đề, đừng quá chủ quan trong cách nhìn nhận bởi đôi khi sự việc xảy ra vượt quá dự kiến ban đầu của chúng ta.
Trang văn khép lại, tâm hồn mở ra. Cùng với Kim Lân và Nguyễn Minh Châu, độc giả đã được một lần du hành ngược về quá khứ, chứng kiến nỗi đau và khát vọng của con người. Đừng nói đến câu: sức tàn lực kiệt khi mà bản thân bạn chưa từng cố gắng, chưa toàn tâm toàn ý cố gắng, muốn cuộc đời đổi thay thì ít nhất trong nhận thức của bản thân phải có sự thay đổi.
Ngọc Kiều Long