Ngan mây trong gió – Vạn vật đổi thay, gió mây ngàn đời không đổi

Ý nghĩa truyền kỳ của “Ngàn mây trong gió”

Mơ

Nhớ

Em hỏi tôi: “Sao mây cứ lơ lửng trên bầu trời, tuy không hề ước hẹn nhưng lại cùng cơn gió phiêu bạc khắp nhân gian?”

Tôi mỉm cười trả lời: “Vì mây là của trời, mây bồng bềnh, phiêu lãng, mây tan rồi mây tụ, nào ai nắm giữ được mây? Mây có thể bay mãi cũng có thể ngàn năm vĩnh hằng chỉ ở một nơi, mây cao xa, mây khó hiểu, mây cô độc, một sự cô độc rúng động lòng người. Cái đẹp thường nảy sinh trong sự cô đơn, tịch mịch. Và cũng chính sự cô đơn, tịch mịch làm mây trở nên xa xăm, lung linh và huyền ảo hơn bao giờ hết.”

Em lại hỏi: “Phải như thế nào mới có thể làm bạn với mây? Phải như thế nào mới có thể quấn quýt bên mây mãi không xa rời?”

Câu trả lời chỉ có một:

“Đó là gió. Một thực thể không có dạng hình cố định, đến đi vô thường, không thể nắm bắt càng không thể níu kéo, không thể cầu mong càng không thể hi vọng. Mây có sự kiêu sa của mây, gió có sự kiêu bạt của gió. Mây và gió không hẹn ước cùng sinh ra ở bầu trời với khoảng không trung cao vời vợi. Nếu nói mây cô độc thì gió có gì hơn? Mây và gió gặp nhau là để điểm thêm vào đời nhau một khúc ca dành riêng cho những kẻ tri kỉ đã đạt đến đỉnh khốn cùng của sự ngạo mạn, cô đơn… nhưng không vì thế mà cả hai đánh mất đi tính cách đặc trưng của mình.”

Mây và gió, một song một tấu, một kiếm một đàn, một tình ca bất diệt của nhân gian, không phụ thuộc nhau nhưng lại không thể tách rời. Ở mây và gió có một sự gắn kết tự nguyện như tạo hóa đã dành riêng cho họ một giấc mơ.

Sẽ chẳng có gì nếu gió không đến? Sẽ chẳng có gì nếu bầu trời thiếu đi mây? Sẽ chẳng có gì nếu cả hai không tồn tại? Bởi nếu không có gió mây sẽ ngàn năm ngủ yên trên bầu trời bất động. Bởi nếu không có mây gió sẽ thiếu đi kẻ hàn huyên tâm sự đường dài. Bởi thiếu mây gió thì tạo hóa sẽ thay vào đó một sự vật khác và con người rồi cũng sẽ quen thôi. Phải, sẽ quen! Làm thế nào để tốt cho cả hai? Làm thế nào để ngàn mây có thể bay trong gió? Giữa gió và mây phải có một bên chủ động… và gió đã làm điều đó, gió thổi từng cơn nhẹ nhàng lay động những áng mây ngàn năm vĩnh hằng ngủ trên không trung, từng đám mây nhỏ tách ra bay đến cùng trời cuối đất.

Thế là mây mang thêm diện mạo mới cho mình, vừa có thể phân khai vừa có thể kết tụ để có thể mãi bên gió. Nếu bạn để ý ngắm nhìn bầu trời bạn sẽ thấy rõ, bầu trời có mây và gió luôn luôn đẹp, luôn luôn sôi động, luôn luôn mang đến sự vui vẻ cho nhân gian… cả hai quấn quýt song hành, nhắc đến mây là phải nói đến gió, gió cuốn thì mây trôi, gió thổi thì mây bay…

Muôn đời tương ngộ tạo nên khúc ca truyền kì: Ngàn mây trong gió!

Ngọc Kiều Long

Tái bút: Ý nghĩa ngàn mây trong gió trong Truyền Kỳ.

No Responses

Write a response