ĐỂ TÔI NÓI CHO BẠN NGHE “GIÁ TRỊ CỦA NỖI ĐAU” TRONG TÔI
“Chán chường, đau khổ, chia ly, mất mát” là những nỗi đau mà ai cũng ít nhất một lần phải trải qua trong đời. Những nỗi đau ấy như những nốt nhạc trầm điểm vào khúc ca bất tận mang tên “cuộc đời” mà thế nhân không ít lần thốt lên những lời cảm khái. Nhưng tôi tin, nếu chúng ta chịu nhìn nhận và đánh giá nó một cách khách quan, công bằng và tích cực nhất, chúng ta sẽ phát hiện ra những giá trị mà nó mang lại. Chẳng hạn, khi bạn thất bại, bạn vấp ngã, bạn mất niềm tin vào bản thân sau bao cố gắng lần lượt vỡ tan như những bọt nước, bàn tay cố níu kéo trong vô hình lại hằn lên bao vết đau. Khi nỗi buồn tưởng chừng như đã vây kín lấy bạn, giam bạn vào một tòa thành hoang phế và cô độc, bạn ngỡ như mình sẽ không bao giờ thoát ra được khỏi tòa thành đó. Như những cơn bão lòng vỡ òa, như những hạt mưa nặng trĩu sự ưu tư, như chú chim non vô tình gãy cánh và chợt nhận ra đường về nhà vẫn còn xa mà bản thân thì vẫn chưa đủ kinh nghiệm để ứng phó với tình huống bất chợt này. Chú chim bé nhỏ cứ thế rơi xuống, rơi xuống, nó ngỡ rằng sự sống của nó sẽ kết thúc từ đây nhưng nào ngờ cậu ấy lại rơi xuống một tàn cây đầy lá, cậu nép mình sau từng phiến lá, tự mình cảm nhận nỗi đau rồi dần thiếp đi. Mưa gió bão bùng rồi cũng đến lúc phải tạnh, mây đen rồi đến một thời điểm nào đó cũng sẽ tan, chú chim non sau những ngày ẩn náu đã khỏe lại, trước khi bay lên bầu trời bao la vô tận, chú nhìn lại một lần nữa nơi mình trú chân, lượn từng vòng, từng vòng một sau đó bay thật nhanh về tổ ấm. Đời người đôi lúc cũng giống như chú chim kia, sẽ có đôi lúc gặp phải khó khăn, sẽ có đôi lúc bị những chán chường, đau khổ làm cho ngã gục, làm cho tinh thần đi xuống, trải dài theo đó là những tháng ngày tuyệt vọng đến vô biên,… nhưng bạn hãy thử nghĩ lại mà xem: nếu chú chim kia từ bỏ hi vọng thì kết cuộc của nó sẽ như thế nào? Cơ duyên để nó gặp phải kiếp nạn này là để nó học được bài học gì? Cơ duyên để nó rơi xuống tàn cây đầy lá, rốt cuộc là vì sao? cơ duyên ấy muốn cho nó biết được điều gì? Phải chăng, tàn cây đầy lá đó là sự dịu dàng mà tạo hóa muốn mang đến cho chú chim non kia? Dù hiểu theo nghĩa nào đi chăng nữa thì ta cũng không thể phủ nhận tàn cây ấy đã giúp cho chú chim non có được một nơi dưỡng thương trong hành trình chinh phục bầu trời bao la, rộng lớn của nó. Để rồi, vết thương lành, để rồi nó lại trở về với giấc mơ, với lí tưởng, với bầu trời cao rộng mà nó luôn yêu. Những biến cố bất ngờ mà nó gặp phải đã vô tình dạy cho nó không ít kinh nghiệm. Rõ ràng, nếu nó không có niềm tin và hi vọng, nếu nó không gắng gượng, không vượt qua được nỗi đau, không chờ được ngày vết thương lành thì nó sẽ chết đột ngột trong sự đau đớn, tuyệt vọng. Đời người cũng vậy, đôi khi thâm trầm một chút, gặp nhiều biến cố hơn người khác một chút, chúng ta sẽ nhận ra được nhiều điều, những điều mà khi ta thành công, khi ta đang vui vẻ, đang đứng trên bục đài vinh quang ta không bao giờ nhìn thấy được. Thượng Đế không vô tình đày đọa bất kì ai, Ngài chỉ tạo ra một vài chướng ngại để thử thách sức bền của bạn, để bạn hiểu được cảm giác thất bại là như thế nào? cảm giác chán chường, tuyệt vọng, chia ly, mất mát có dư vị ra sao? Người mà ta luôn dốc lòng trao trọn niềm tin có phải là người xứng đáng? Đứng trên vực thẳm của sự mông lung, khi nỗi buồn vây kín, bạn sẽ nhận ra ai yêu thương bạn thật lòng, ai sẵn lòng ở bên cạnh bạn lúc bạn buồn nhất, ai sẵn sàng lắng nghe bạn khi bạn cần một người lắng nghe? ai sẽ trở thành điểm tựa của bạn khi bạn đã quá mệt mỏi, rã rời? Vinh quang và hoa hồng – ai lại không muốn, đau khổ và bất hạnh ai lại muốn bao giờ? Nhưng chỉ khi đau khổ và thấu triệt hết những nỗi đau, bạn mới có được những phút giây tĩnh lặng, những phút giây sống chậm lại, suy nghĩ về bản thân, về những thành bại được mất mà mình từng có để rồi sau đó, tự hỏi bản thân: thứ mà bạn cần nhất trong cuộc đời này là gì? đừng quá mải mê chạy theo dục vọng, những ảo vọng phù phiếm mà vô tình đánh mất bản thân lúc nào không hay! Thế nên, hãy lắng nghe tôi giãi bày và hãy tin những gì tôi nói: nỗi đau giúp chúng ta học được nhiều bài học hơn chúng ta nghĩ, những bài học mà thành công và niềm vui có thể không bao giờ mang đến được. Đương nhiên, những bài học ấy đôi khi được đánh đổi bằng cả máu và nước mắt. Có người từng ví như thế này: nước mắt như những viên pha lê sẽ dễ dàng vì sự va chạm mạnh mà tan ra muôn vàn mảnh vỡ, những mảnh vỡ ấy khắc vào tim người bao dư vị đau thương nhưng pha lê vỡ thì cũng đã vỡ rồi, nước mắt rơi thì cũng đã rơi rồi… Tất cả cảm xúc cũng đã lên đến đỉnh điểm, đã đến lúc ta phải vén màn lên, bước ra khỏi thế giới tối tăm và u ám này. Đừng tiếc nuối! Hãy ngẩng cao đầu, lau đi nước mắt còn đọng trên mi, tự mình thu dọn những mảnh pha lê vỡ, mang chúng khóa vào nơi sâu kín nhất của tâm hồn và xem như nó là một chặng đường mà chúng ta ai cũng phải bước qua trong đời… Thế thôi!!!
Ngọc Kiều Long